Tổng Hợp

Sau những gì đã cống hiến cho công việc, bạn nhận thấy bản thân xứng đáng được tăng lương và muốn đề xuất điều này với Sếp. Tuy nhiên, hãy dự trù trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là sếp từ chối tăng lương cho bạn. Đứng trước tình huống đó, bạn cần phải làm gì? Tìm hiểu ngay nhé!

Phản ứng lại một cách điềm tĩnh

Tất nhiên là việc sếp từ chối tăng lương cho bạn sẽ khiến bạn rất tổn thương và cảm thấy khó chịu. Nhưng hãy cố gắng kiểm soát bản thân để tránh xảy ra những phản ứng tiêu cực có thể gây bất lợi. Lúc này, bạn cần phản ứng lại một cách chuyên nghiệp và khéo léo.

Và đây là gợi ý mà bạn có thể sử dụng: “Em cảm ơn chị/anh đã cho em biết câu trả lời. Mặc dù hơi thất vọng nhưng em rất muốn biết những điều em cần phải hoàn thiện, để em tiếp tục phấn đấu đạt được tiêu chí tăng lương ạ”. Như vậy, bạn vừa thể hiện được sự tôn trọng với Sếp, bản lĩnh của bản thân vừa biết được mục tiêu bạn cần phải đạt được trong tương lai để được Sếp đồng ý tăng lương.

Thảo luận để biết được lý do

Hãy tìm hiểu lý do khiến Sếp chưa thể tăng lương cho bạn vào lúc này bằng cách đặt ra những câu hỏi gợi mở như: Điều gì khiến em không được tăng lương ở thời điểm này?, Để được tăng lương thì em cần đạt được những gì?, Em cần khắc phục điều gì để làm việc tốt hơn?…

Việc này có thể giúp bạn đưa ra quyết định có nên tiếp tục làm công việc này không hay là nên tìm một công việc khác có tương lai phát triển hơn, nơi mà bạn được đánh giá cao và được công nhận năng lực một cách xứng đáng hơn.

Đề xuất những phúc lợi thay thế

Nếu Sếp từ chối tăng lương cho bạn, hãy trao đổi thêm để có thể nhận được các quyền lợi khác bù đắp cho bản thân. Chẳng hạn, cho phép bạn làm việc định kỳ WFH, có thêm ngày nghỉ phép, nâng cấp trang thiết bị làm việc, tăng chi phí đầu tư kinh doanh… để có điều kiện làm việc thoải mái và hiệu quả hơn.

Luôn giữ kết nối với Sếp

Nếu vì bị từ chối mà bạn trở nên lạnh nhạt và không muốn tiếp xúc với Sếp thì thật là vớ vẩn. Thay vì như vậy, bạn hãy đàm phán về công việc để có được quyền lợi về sau. Bạn có thể đề xuất trình bày kế hoạch làm việc, mục tiêu cố gắng để được đánh giá và xứng đáng được Sếp tăng lương. Điều này sẽ góp phần giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt Sếp của bạn.

Luôn thể hiện bản thân

Bạn đã làm được gì, những thành tích, cống hiến của bạn cho công ty, hãy để mọi người thấy được giá trị của bạn. Không ngừng nêu lên quan điểm, ý kiến, đề xuất ý tưởng cho các chiến lược phát triển của công ty. Thậm chí, theo định kỳ bạn nên làm bảng báo cáo về hiệu quả công việc để Sếp có thể xem và đánh giá năng lực của bạn một cách khách quan hơn.

Được nhiều người ủng hộ

Sự thành công, đóng góp của bạn cho công việc không chỉ là sự đánh giá của riêng bạn mà luôn cần có sự công nhận của mọi người xung quanh. Không chỉ có Sếp, mà đó còn có thể là đồng nghiệp, những bộ phận cùng phối hợp. Điều đó khiến cho những gì bạn trình bày về thành tích sẽ trở nên đáng giá và khách quan hơn.

Để làm được điều đó, đòi hỏi bạn là người có đủ năng lực, bản lĩnh để làm thật, tiến bộ thật cũng như thể hiện bản thân là người có văn hoá, luôn được mọi người ủng hộ. Có như vậy, bạn mới có thể dễ dàng thăng tiến và được Sếp công nhận năng lực của bản thân.

Việc sếp từ chối tăng lương cho bạn chắc chắn sẽ khiến bạn hụt hẫng. Tuy nhiên hãy mau chóng lấy lại tinh thần và tiếp tục phấn đấu, vì chắc chắn những nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng. Do đó, thay vì buồn phiền hay có quyết định bộc phát nóng vội, hãy tìm hiểu nguyên nhân, bản thân còn thiếu soát ở đâu để hoàn thiện hơn nữa. Để chắc chắn rằng ở lần đề xuất tăng lương tiếp theo sếp sẽ phải gật đầu đồng ý.